Lịch sử hình thành và phát triển

Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên là bệnh viện hạng II tuyến tỉnh về Y học cổ truyền trực thuộc Sở Y tế Thái Nguyên. Bệnh viện được thành lập theo Quyết định số 168/QĐ-UB ngày 06 tháng 10 năm 1992 của UBND tỉnh Bắc Thái với tên gọi Bệnh viện Y học dân tộc Bắc Thái, trên cơ sở tiếp nhận con dấu của bệnh viện tại Bắc Kạn về địa điểm tại thành phố Thái Nguyên (khu sản xuất của xí nghiệp Liên hợp Dược), cơ sở vật chất và nhân lực ban đầu chỉ với 9 CBCC, 4 gian nhà cấp 4 bàn giao lại, 5 triệu đồng và kế hoạch được giao là 50 giường điều trị nội trú.

Ngày 05/12/1999  Bệnh viện được đổi tên thành Bệnh viện Y học cổ truyền tại Quyết định số 3883/QĐ-UB ngày 06/12/1999 của UBND tỉnh Thái Nguyên. Trong quá trình hoạt động, Bệnh viện đã không ngừng phát huy truyền thống của một bệnh viện chuyên khoa về YHCT tuyến tỉnh với chức năng nhiệm vụ là: Cấp cứu – Khám bệnh – Chữa bệnh, phục hồi chức năng; đào tạo cán bộ; nghiên cứu khoa học; chỉ đạo tuyến; phòng bệnh; hợp tác quốc tế và quản lý kinh tế. Bệnh viện YHCT đã được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND, ngành y tế đã đầu tư xây dựng và trang bị thành một Bệnh viện có quy mô 100 giường nội trú cuối năm 1996 với tổng mức đầu tư là 7 tỷ đồng, được khánh thành và đưa vào sử dụng năm 1997.

Trong những năm qua, Bệnh viện đã được đầu tư xây dựng và nâng cấp cải tiến không ngừng để tăng cường các buồng bệnh, phục vụ nhu cầu của bệnh nhân trong và ngoài tỉnh với 8 khu nhà có tổng diện tích hơn 6459.3m². Bệnh viện có 220 giường bệnh, có các khoa lâm sàng Nội – Nhi, Ngoại – Phụ,  Châm cứu dưỡng sinh, Phục hồi chức năng, Ngũ quan – Da liễu, Nội Tổng hợp với các trang thiết bị hiện đại để phục vụ cho chẩn đoán, điều trị và nghiên cứu khoa học.

Hiện nay, bệnh viện có 15 khoa, phòng, được chia thành 3 khối: Lâm sàng, cận lâm sàng và khối các phòng ban chức năng (06 Phòng ban chức năng, 3 Khoa cận lâm sàng và 6 Khoa lâm sàng). Bệnh viện có 151 cán bộ, viên chức, người lao động, trong đó có 01Tiến sỹ, 02 Bác sĩ CKII, 01 Thạc sỹ, 12 Bác sĩ CKI, 22 Bác sỹ, 78 điều dưỡng và kỹ thuật y (ĐH: 08, CĐ: 13, TH: 57), 15 dược sỹ (DSCKI: 03; DSĐH: 03; DSTH: 09) và các cán bộ, nhân viên hỗ trợ giàu kinh nghiệm, tận tâm. Hệ thống bệnh viện và Khoa khám bệnh của Bệnh viện tiếp nhận khám, chữa bệnh cho bệnh nhân trong và ngoài tỉnh mỗi ngày, đã và đang góp phần lớn trong việc nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng và góp phần giảm thiểu sự quá tải của các bệnh viện tuyến trên.

Trong những năm qua được sự quan tâm của UBND tỉnh, Đảng uỷ, lãnh đạo Sở Y tế Thái Nguyên, Ban Giám đốc và tập thể cán bộ viên chức bệnh viện đã phát huy tinh thần làm chủ, năng động dám nghĩ dám làm xây dựng Bệnh viện Y học cổ truyền hiện đại theo định hướng Đông Tây y kết hợp, đội ngũ thầy thuốc và nhân viên y tế có trình độ chuyên môn cao, tâm huyết với nghề, thực hiện tốt 12 điều y đức và quy tắc ứng xử của nhân viên y tế, làm tốt công tác quản lý kinh tế y tế, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội cho người lao động và người bệnh. Công suất sử dụng giường bệnh của bệnh viện hàng năm luôn đạt trên 100%, là địa chỉ tin cậy của người bệnh trong và ngoài tỉnh.

Với chức năng và nhiệm vụ chính là kế thừa, phát huy và phát triển YHCT, kết hợp YHCT với YHHĐ trong điều trị và dự phòng, bệnh viện đã đạt được rất nhiều thành tựu trong phát triển YHCT. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp bộ và cơ sở nhằm đánh giá tính an toàn và hiệu lực của thuốc YHCT, nghiên cứu xây dựng qui trình bào chế và tiêu chuẩn hóa thuốc YHCT, nghiên cứu ứng dụng các phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc YHCT trong điều trị và dự phòng các bệnh thường gặp, các bệnh mạn tính, khó chữa…đã được thực hiện và được đánh giá cao tại nhiều hội nghị YHCT trong nước.

Hiện tại bệnh viện đã áp dụng công nghệ thông tin cho nhiều hoạt động như khám, kê đơn thuốc, chỉ định xét nghiệm, lưu trữ bệnh án, viện phí…. Bệnh viện đã đầu tư những trang thiết bị y tế cơ bản đáp ứng cho công tác khám chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế. Bệnh viện có trên 50 loại trang thiết bị y tế, trong đó có một số trang thiết bị công nghệ cao, như: Máy chụp XQ kỹ thuật số; Máy siêu âm màu; Máy xét nghiệm huyết học tự động; Máy tán sỏi ngoài cơ thể; Buồng điều trị ô xi cao áp; Máy phục vụ phục hồi chức năng …

Để người dân đều có thể tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao với chi phí hợp lý, đội ngũ nhân viên y tế Bệnh viện Y học cổ truyền vẫn đang nỗ lực không ngừng để xây dựng một hệ thống y tế hiện đại, toàn diện, với sự đầu tư chuyên sâu về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và nguồn nhân lực chất lượng cao. Mở rộng các dịch vụ y tế, ứng dụng y học tiên tiến và khoa học quản trị để mang lại kết quả lâm sàng và chuẩn mực chăm sóc tốt nhất đáp ứng nhu cầu của  bệnh nhân.

Tích cực làm việc dựa trên cơ sở đề cao tính chính trực và đạo đức nghề nghiệp, thúc đẩy sự tôn trọng, đảm bảo sự công bằng, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, những ứng xử phù hợp nhất và tuân thủ chặt chẽ nhất những nguyên tắc, chuẩn mực nghề nghiệp và qui định của Bộ Y tế.

Toàn thể cán bộ, viên chức Bệnh viện Y học cổ truyền không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, “giỏi về y thuật và sáng về y đức” đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của đội ngũ nhân viên y tế trở thành địa chỉ tin cậy về chăm sóc sức khỏe của nhân dân tỉnh nhà và trong khu vực, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Thầy thuốc như mẹ hiền”./.

                                                                                                                                         Hoàng Thị Toan- Phó phòng TCCB.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *