Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên (liệt mặt) là tình trạng yếu đột ngột các cơ nửa mặt dẫn đến mất vận động một phần hoặc hoàn toàn. Y học cổ truyền có nhiều phương pháp điều trị bệnh này an toàn và hiệu quả, giúp phòng các biến chứng như liệt hoàn toàn, mù mắt bên liệt…
1. Chẩn đoán liệt mặt ngoại biên như thế nào?
Liệt VII ngoại biên, hay còn gọi là liệt mặt ngoại biên là tổn thương từ nhân dây VII trở ra do lạnh hoặc viêm. Bệnh không lây, gặp ở nam và nữ, và không phân biệt lứa tuổi.
Các dấu hiệu của liệt mặt ngoại biên thường đột ngột ở bên mặt bệnh, bao gồm:
– Yếu một phần tới liệt hoàn toàn một bên mặt, tiến triển trong vài giờ hoặc vài ngày.
– Cơ mặt sệ và khó khăn trong biểu cảm như nhắm mắt không khít, cười lệch miệng sang bên lành.
– Chảy nước dãi bên bệnh, thức ăn giắt vào kẽ răng và má.
– Tê bì nửa mặt, quanh xương hàm hoặc sau tai.
– Đau đầu, tăng cảm giác về âm thanh của tai bên bệnh.
– Giảm vị giác ở trước lưỡi bên bệnh kèm giảm tiết nước bọt, nước mắt.
* Bệnh nhân cần đi khám ngay khi xuất hiện các triệu chứng trên để được được chẩn đoán phân biệt với liệt VII trung ương do đột quỵ não và các tổn thương khác ở não, hay các bệnh lý tai mũi họng…
2. Theo Y học cổ truyền
Liệt VII ngoại biên nằm trong phạm vi chứng Khẩu nhãn oa tà của Y học cổ truyền (YHCT). Ngoài các triệu chứng như trên, dựa vào hoàn cảnh phát sinh và một số triệu chứng đặc biệt, liệt mặt được vào ba thể chính:
Thể phong hàn phạm kinh lạc: Bệnh xuất hiện sau khi gặp mưa, gió lạnh hoặc sáng sớm thức dậy, sợ lạnh, rêu lưỡi trắng, mạch Phù Khẩn. Nguyên tắc điều trị: Khu phong tán hàn thông kinh hoạt lạc
Thể phong nhiệt phạm kinh lạc: Sốt sợ gió, sợ nóng, rêu lưỡi trắng dầy, mạch Phù Sác. Thường do nhiễm khuẩn. Nguyên tắc điều trị: Khu phong thanh nhiệt, hoạt huyết (khi có sốt), khu phong bổ huyết (khi hết sốt).
Thể huyết ứ ở kinh lạc: Đau nhức ở mặt, hàm hoặc sau tai bên bệnh. Thường do di chứng sau chấn thương: té ngã, sau khi mổ vùng chũm, hàm… Nguyên tắc điều trị: Hoạt huyết hoá ứ, thông kinh hoạt lạc.
3. Điều trị liệt VII ngoại biên tại Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên
Các phương pháp điều trị đang được dùng tại Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên:
+ Dùng thuốc: Bài thuốc cổ phương và nghiệm phương hiệu quả, các vị thuốc đảm bảo chất lượng theo quy định của Bộ Y tế.
+ Không dùng thuốc:
– Các hình thức châm: châm vê tay, điện châm, hào châm, mãng châm, ôn châm, laser châm, thủy châm, cấy chỉ…
– Các phương pháp điều trị khác: xoa bóp bấm huyệt, xông thuốc…
– Các huyệt thường dùng: Toản trúc, Tình minh, Đầu duy, Ty trúc không, Dương bạch, Ngư yêu, Thừa khấp, Đồng tử liêu, Nghinh hương, Địa thương, Giáp xa, Quyền liêu, Ế phong, Hợp cốc. Nếu là thể phong hàn thì ôn châm hoặc cứu. Nếu là thể phong nhiệt thêm Khúc trì, Nội đình… Nếu là thể huyết ứ thêm Huyết hải, Túc tam lý, Lương khâu…
Nhằm tăng cường hiệu quả, bệnh nhân sẽ được bác sỹ hướng dẫn các biện pháp bổ trợ như ăn uống đủ dinh dưỡng, giữ ấm vùng đầu mặt cổ, đeo kính, nhỏ nước mắt để giữ vệ sinh mắt, nhai kẹo cao su để làm khoẻ cơ nhai, và đặc biệt là tự xoa bóp vùng mặt.
Để được điều trị sớm, ngay khi bản thân và người nhà có những triệu chứng trên, bệnh nhân hãy đến Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên khám và điều trị.
Một số hình ảnh về các phương pháp điều trị
Một số hình ảnh người bệnh
BS. Nguyễn Thị Hương – Bệnh viện YHCT Thái Nguyên