Phòng chống bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra. Bệnh chủ yếu do muỗi Aedes aegypti truyền virus từ người bệnh sang người lành.

Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thất thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

 Quá trình lây nhiễm sốt xuất huyết do muỗi vằn gây ra (ảnh minh họa)

1. Đặc điểm của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết

Muỗi có màu đen, thân và chân có những đốm trắng thường được gọi là muỗi vằn.

Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối.

Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc/xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà.

Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây… các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa… Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng vượt trên 20º C.

2. Sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết:

– Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh.

-Thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội.

– Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra với 4 tuýp gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 tuýp gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch  được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng típ cho nên người ta có thể mắc bệnh sốt xuất huyết lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những típ khác nhau.

3. Biểu hiện của bệnh Sốt xuất huyết

Sốt cao đột ngột, người mệt mỏi, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt. Sốt liên tục kéo dài 2-7 ngày.

Sau đó có các biểu hiện xuất huyết:

– Ở da biểu hiện là các nốt xuất huyết rải rác thường ở mặt trước cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn hoặc mảng bầm tím.

– Ở niêm mạc gồm có: chảy máu mũi, lợi, đôi khi tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài.

– Ở nội tạng: xuất huyết tiêu hoá, phổi, xuất huyết não… là biểu hiện nặng của bệnh.

Khi có các dấu hiệu trên thì cần phải đưa người bệnh đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Sốt xuất huyết Dengue trên cơ địa đặc biệt: nhũ nhi, béo phì, bệnh lý đi kèm nên nhập viện điều trị.

Một số dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết (ảnh minh họa)

4. Phòng bệnh sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

  1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
  2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
  3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…
  4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
  5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
  6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *