Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến phương thức, thủ đoạn, hậu quả do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ra

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân. Xuất hiện các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như tài chính, ngân hàng, bất động sản, dự án đầu tư, môi giới việc làm, đưa người đi lao động, học tập tại nước ngoài, kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử…, đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như giả danh cơ quan thực thi pháp luật, cán bộ cơ quan nhà nước, quen biết qua mạng xã hội, lợi dụng quan hệ tình cảm, trao đổi, mua bán hàng hóa qua mạng, tin nhắn “rác”, tin nhắn trúng thưởng, xin việc làm, xuất khẩu lao động, “chạy” dự án, vay vốn; kêu gọi đầu tư, tài trợ, đầu tư kinh doanh đa cấp, tiền ảo, thiết lập các trang mạng ngân hàng giả mạo để lấy dữ liệu thông tin khách hàng, đánh tráo hồ sơ, sử dụng giấy tờ giả mở tài khoản, giả mạo chứng từ để chuyển tiền, rút tiền, vay tiền, làm giả cổ vật, đá quý, kim loại quý; lợi dụng hoạt động họ, hụi, biêu, phường, phòng, chống dịch bệnh… Quá trình hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng thường xuyên thay đổi thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội, sử dụng tài khoản ảo, thay đổi địa bàn hoạt động, cư trú nhằm đối phó với công tác phòng ngừa, xử lý của cơ quan chức năng.

Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu do: Công tác tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế – xã hội và phòng ngừa các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chưa sâu rộng, người dân chưa được tiếp cận kịp thời đầy đủ, chính xác thông tin, nhất là các thông tin về quy hoạch, chế độ, chính sách an sinh xã hội, đầu tư, sản xuất, kinh doanh… Một bộ phận quần chúng nhân dân nhận thức còn hạn chế, mất cảnh giác để tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các quy định pháp luật về một số lĩnh vực chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thực tiễn, chưa được hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung kịp thời. Công tác quản lý nhà nước ở nhiều lĩnh vực như tài chính, ngân hàng không gian mạng, đất đai, công chứng… còn tồn tại sơ hở, thiếu sót; phối hợp giữa các cơ quan, các ngành, các cấp chưa đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; cấp ủy, người đứng đầu một số địa phương thiếu quyết liệt trong chỉ đạo phòng ngừa, xử lý các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật và chế tài xử lý đối với tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thông tin rộng rãi, kịp thời, công khai, minh bạch trong Nhân dân về chủ trương phát triển kinh tế, an sinh xã hội, dự án bất động sản, quy hoạch xây dựng…; tuyên truyền, thông báo về hành vi, thủ đoạn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản gắn với các vụ việc, vụ án cụ thể mang tính điển hình để người dân chấp hành pháp luật, đề cao cảnh giác, tăng cường các biện pháp quản lý tự phòng ngừa, bảo vệ tài sản.

Để phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bảo đảm an ninh, trật tự, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

– Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật và chế tài xử lý đối với tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thông tin rộng rãi, kịp thời, công khai, minh bạch trong Nhân dân về chủ trương phát triển kinh tế, an sinh xã hội, dự án bất động sản, quy hoạch xây dựng…; tuyên truyền, thông báo về hành vi, thủ đoạn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản gắn với các vụ việc, vụ án cụ thể mang tính điển hình để người dân chấp hành pháp luật, đề cao cảnh giác, tăng cường các biện pháp quản lý tự phòng ngừa, bảo vệ tài sản.

– Bộ Công an đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến phương thức, thủ đoạn, hậu quả do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ra và các quy định của pháp luật có liên quan để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn liên quan về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, nhất là các nguồn tin liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

– Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an các cấp kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh các loại hình kinh doanh dịch vụ như công ty tài chính, cầm đồ, môi giới việc làm, nhà đất, du học, đưa người đi lao động ở nước ngoài, thương mại và thanh toán điện tử… để phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

– Bộ Tài chính: Chủ động phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán…; thực hiện nghiêm các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến định giá tài sản, giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính, bảo đảm căn cứ để khởi tố, điều tra, xử lý tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

– Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý các lĩnh vực được phân công như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất, các dự án phát triển đô thị, khu dân cư, khu du lịch nghỉ dưỡng, các dự án đầu tư sử dụng đất; quy hoạch xây dựng, kiến trúc, hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở, công sở, thị trường bất động sản; các đề án, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phát triển nông thôn, nhất là các đề án, dự án có yếu tố nước ngoài; các vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa, đo lường; các hoạt động du lịch, quảng cáo…

– Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với đội ngũ giáo viên, sinh viên, học sinh, du học sinh, người lao động ở trong nước và nước ngoài; thông tin công khai, rộng rãi cho người dân về các cơ sở được phép kinh doanh trong các lĩnh vực, như: môi giới việc làm, du học, xuất khẩu lao động…Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đưa người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài.

Tại Văn bản, Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam: Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân, đoàn viên, hội viên, người lao động; đẩy mạnh các giải pháp phối hợp thực hiện Đề án “Vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư”.

                                                                                                      Nguồn: https://pbgdpl.hanoi.gov.vn/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *